Bạn cần đăng nhập để xem thông tin tài khoản.

Nâng cao độ trưởng thành dữ liệu để mài bén lợi thế cạnh tranh

|||

Làm chủ dữ liệu dần chứng tỏ tầm quan trọng trong việc xây dựng chiến lược và hoàn thiện vận hành doanh nghiệp. Nhưng cuộc chơi dữ liệu có thật sự quá tốn kém và khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ? 

Trong tập 47 của Business Insights, chúng ta sẽ cùng host Mai Trang trò chuyện với khách mời Trần Hùng Thiện, Nhà sáng lập và Chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường GCOMM. Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành, anh Thiện chia sẻ những góc nhìn sắc bén về vai trò của dữ liệu trong việc tối ưu hóa chiến lược kinh doanh, từ các bước khởi đầu thu thập dữ liệu, cách phân tích đến việc áp dụng dữ liệu để gia tăng doanh số. 

Độ trưởng thành dữ liệu – điểm yếu của SMEs Việt

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt, dữ liệu không còn là lựa chọn mà đã trở thành yếu tố sống còn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo anh Thiện, đa phần doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) Việt Nam mới chỉ dừng ở cấp độ 2 hoặc 3 trên thang đo 10 cấp độ về độ trưởng thành dữ liệu– tức là rất sơ khaicảm tính.

Phần lớn SMEs chỉ lưu trữ những dữ liệu cơ bản như doanh thu, nhưng không phân tích sâu để rút ra các xu hướng hay dự báo cho tương lai. Dữ liệu chưa được cập nhật theo thời gian thực và gần như không đóng vai trò gì trong việc ra quyết định chiến lược.

Theo anh Thiện, nguyên nhân lớn nhất đến từ môi trường kinh doanh quá thuận lợi trong quá khứ. Khi thị trường tăng trưởng nóng, chỉ cần tung ra sản phẩm là dễ dàng có doanh thu, nên doanh nghiệp không cảm nhận được sức ép phải dựa vào dữ liệu để cạnh tranh. Bên cạnh đó, tư duy ưu tiên ngắn hạn và áp lực tài chính cũng khiến nhiều chủ doanh nghiệp coi việc đầu tư cho dữ liệu là xa xỉ.

“Khi thị trường dễ sống, chẳng ai đi tìm lý do để thành công. Chỉ đến khi khó khăn chồng chất, người ta mới giật mình tìm giải pháp, nhưng lúc đó thì đã muộn,” anh Thiện nhận xét.

Với SMEs Việt, nâng cao độ trưởng thành dữ liệu không chỉ là bài toán công nghệ, mà còn là thay đổi tư duy quản trị – từ cảm tính sang ra quyết định dựa trên số liệu. Đây chính là chìa khóa để doanh nghiệp nhỏ tìm được chỗ đứng trong sân chơi ngày càng khốc liệt.

Thu thập dữ liệu bắt đầu từ đâu?

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tư duy dữ liệu không cần bắt đầu từ những hệ thống phức tạp hay chi phí đắt đỏ. Theo anh Thiện, vấn đề cốt lõi nằm ở việc thay đổi tư duy từ gốc rễ – coi dữ liệu là tài sản chứ không phải gánh nặng vận hành.

Lấy ví dụ từ một cửa hàng thời trang, anh Thiện chỉ ra rằng mọi giao dịch, tương tác của khách hàng đều để lại dấu vết dữ liệu. Từ việc khách ghé cửa hàng bao nhiêu lần, chọn màu sắc nào nhiều nhất, trung bình bao lâu quay lại mua sắm – tất cả nếu được thu thập bài bản, sẽ trở thành cơ sở để dự đoán chính xác hành vi mua sắm trong tương lai. “Khi tôi biết rõ 80 ngày nữa khách sẽ quay lại, tôi có thể chủ động gửi ưu đãi hay quảng cáo đúng thứ họ thích. Đó là marketing dựa trên dữ liệu – chính xác, tiết kiệm và hiệu quả,” anh Thiện nhấn mạnh.

Tuy nhiên, dữ liệu chỉ phát huy sức mạnh khi đầu vào chuẩn xác. Nếu nhân viên bán hàng ghi sai hoặc bỏ sót thông tin, toàn bộ phân tích phía sau sẽ sai lệch. “Tư duy đúng đắn về dữ liệu phải thông suốt từ CEO đến từng nhân viên. Người nhập dữ liệu phải hiểu rằng chỉ cần một con số sai, doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định sai lầm,” anh Thiện cảnh báo.

Tư duy dữ liệu không phải là đặc quyền của các tập đoàn lớn. Đối với SMEs, đây chính là “vũ khí ngầm” để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày càng khốc liệt.

Host Mai Trang trong chương trình Business Insights

Từ phân tích dữ liệu đến chiến lược kinh doanh: con số, trải nghiệm, thực nghiệm

Phân tích dữ liệu không chỉ dừng lại ở việc tạo ra những con số đẹp mắt trong báo cáo, mà quan trọng hơn, đó phải là nền tảng để ra quyết định kinh doanh. Theo anh Hùng Thiện, có ba nguyên tắc vàng giúp doanh nghiệp kiểm chứng và khai thác hiệu quả dữ liệu phân tích.

Khách mời Trần Hùng Thiện, Nhà sáng lập và Chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường GCOMM tại Business Insights

Thứ nhất, luôn đặt câu hỏi ngược: nếu không làm theo kết quả phân tích thì điều gì sẽ xảy ra? Kịch bản giả định này giúp doanh nghiệp chủ động kiểm tra tính chính xác và khả năng ứng dụng của từng đề xuất.

Thứ hai, theo dõi chặt chẽ kết quả kinh doanh theo tuần, theo tháng để đánh giá tác động thực tế của các quyết định dựa trên dữ liệu. “Không có phân tích nào đúng tuyệt đối, nhưng mỗi phân tích đều để lại bài học cho lần sau – miễn là doanh nghiệp chịu khó nhìn lại và rút kinh nghiệm,” anh Thiện nhấn mạnh.

Thứ ba, kết hợp dữ liệu với kinh nghiệm thực chiến của chính người ra quyết định. Dữ liệu không nói dối, nhưng người xử lý dữ liệu thì có thể có thiên kiến. Vì vậy, cần cân bằng giữa phân tích định lượng và cảm giác thị trường, giữa công cụ phân tích và bản năng kinh doanh.

Bên cạnh đó, sai lầm phổ biến của nhiều doanh nghiệp là hoặc quá phụ thuộc vào dữ liệu, hoặc hoàn toàn bỏ qua dữ liệu để ra quyết định theo cảm tính. “Công thức lý tưởng không phải 100% dữ liệu hay 100% kinh nghiệm, mà là sự uyển chuyển, tùy tình huống, tùy mức độ rủi ro của từng quyết định,” anh Thiện chia sẻ.

Để cạnh tranh sòng phẳng với những “ông lớn” dày vốn và sở hữu hệ thống dữ liệu bài bản, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nâng cao độ trưởng thành dữ liệu – bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất trong tư duy, thói quen vận hành và cách ra quyết định. Lắng nghe trọn vẹn góc nhìn thực tế và lời khuyên từ chuyên gia Trần Hùng Thiện tại đây, để dữ liệu không còn là gánh nặng, mà trở thành vũ khí sắc bén giúp SME bứt phá.



Từ khoá

Thảo luận về bài viết

ESG – Điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển
Phát triển kỹ năng cảm xúc xã hội cho trẻ trong 5 năm đầu đời
Thúc đẩy giáo viên Việt Nam đạt chuẩn sư phạm quốc tế

Đăng nhập

hoặc

Đăng ký

Email cũng chính là tên đăng nhập của bạn.

hoặc