Sự phát triển của internet và công nghệ giúp chúng ta tiếp cận với nguồn kiến thức khổng lồ nhưng ngược lại cũng tạo ra “cơn bão” thông tin khiến chúng ta khó trụ vững và có khả năng phán đoán xem đâu là thông tin có giá trị.
Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách là nhà khoa học, nhà nghiên cứu Phật học và là tác giả của nhiều tập sách du ký, tiểu luận như: “Mùi hương trầm”, “Mộng đời bất tuyệt”, “Đường rộng thênh thang”, “Đường xa nắng mới”, “Lưới trời ai dệt”. Đồng thời, ông cũng là dịch giả của các cuốn sách: “Con đường mây trắng”, “Đạo của vật lý”, “Đối diện cuộc đời”. Mới đây, cuốn sách “Cân bằng trong khủng hoảng” được hình thành từ những đối thoại của ông và tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa được ra mắt.
Nhà thơ, Nhà báo Trần Lê Sơn Ý là tác giả của tập thơ “Cơn ngạt thở tình cờ” cùng các tập văn xuôi như: “Sao con hỏi mà con kiến không trả lời”, “Yêu thương là tự do” và mới đây chị vừa ra mắt tập tản văn “Thương một tình thương” xoay quanh những góc nhìn mới mẻ trong cách nghĩ, cách sống của con người dưới mái ấm gia đình và giữa thế giới hiện đại đang xoay chuyển mạnh mẽ.
Trong sự kiện ra mắt sách hai cuốn sách “Cân bằng trong khủng hoảng” và “Thương một tình thương” do Phanbook thực hiện, hai tác giả Nguyễn Tường Bách và Trần Lê Sơn Ý đã có cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề “Sống trong bão táp truyền thông”. Tại đây, hai tác giả đã chia sẻ những lát cắt khủng hoảng mà chúng ta gặp phải trong thời đại thông tin tràn ngập. Từ đó, đưa ra những cách để xây dựng khả năng phán đoán và chọn lọc thông tin nhằm tìm thấy sự cân bằng trong thời đại hiện nay.

“Bão táp” truyền thông là gì?
Quá trình chuyển đổi thông tin từ ngôn ngữ nói sang chữ viết, rồi từ chữ viết thành văn bản in ấn với số lượng lớn đã tốn dài hàng ngàn năm của nhân loại. Thế nhưng, với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của internet, chỉ trong vài thập kỷ, chúng ta đã số hóa khối lượng thông tin và tri thức khổng lồ. Giờ đây, chỉ với vài thao tác đơn giản, ta có thể tiếp cận thông tin không chỉ dưới dạng văn bản mà còn qua hình ảnh, âm thanh, video, tất cả đều được lưu trữ và truyền tải với tốc độ tức thì.
Ngày nay, với các công cụ tìm kiếm như Google và sự bùng nổ của mạng xã hội, thông tin không còn là thứ chúng ta phải tìm kiếm. “Thay vào đó, thông tin tràn đến dồn dập, tựa như những cơn sóng lớn, liên tục và không ngừng nghỉ. Điều này đặt nhân loại đứng trước một thách thức lớn: Làm sao để không bị chìm ngập bởi ‘cơn bão’ thông tin mà vẫn giữ được sự tỉnh táo và sáng suốt?”, Tiến sĩ Tường Bách nhận định.

Cơn bão thông tin đặt nhân loại đứng trước một thách thức lớn: Làm sao để không bị chìm ngập bởi ‘cơn bão’ thông tin mà vẫn giữ được sự tỉnh táo và sáng suốt?
Hiện nay, tình trạng nghiện mạng xã hội và điện thoại thông minh đang trở thành vấn đề đáng báo động, đặc biệt là ở giới trẻ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần và khả năng giao tiếp.
Anh đã đề cập đến một trường hợp thực tế ở Đức, theo đó, học sinh đến trường phải nộp lại điện thoại và chỉ được nhận lại khi tan học. Kết quả cho thấy nhiều điều thú vị là trong các giờ ra chơi, học sinh tham gia các hoạt động thể chất nhiều hơn, trò chuyện trực tiếp với nhau nhiều hơn, thậm chí xin thêm dụng cụ thể thao để cùng chơi. Những hình ảnh ấy cho thấy tác động tích cực rõ rệt khi các em được tạm rời xa thế giới ảo.
Bên cạnh đó, Internet còn làm lộ rõ những mặt tối trong tâm lý con người. Anh Bách cho rằng: “Môi trường ảo cho phép mọi người được ẩn danh, giúp những suy nghĩ tiêu cực, hành vi xấu dễ dàng bộc lộ hơn do không sợ bị phán xét.” Chính vì thế, các trường hợp tấn công, bạo lực ngôn từ trên mạng, lối sống “phông bạt” hay lừa đảo online ngày càng trở nên phổ biến.

Khi ở trên mạng xã hội, ta thấy ai cũng đẹp và thành công, chỉ có mình là dở tệ. Chính việc chìm đắm trong thế giới này gây ra rất nhiều hệ lụy thuộc về tâm lý, xã hội.
Một hệ quả nữa của mạng xã hội là tạo ra áp lực so sánh, gây nên những ảnh hưởng về mặt tâm lý. Trên không gian ảo, người ta thường chỉ thể hiện những gì tốt đẹp nhất của bản thân, từ thành công trong công việc đến cuộc sống cá nhân. “Điều này vô tình tạo ra cảm giác rằng mọi người xung quanh đều hoàn hảo, trong khi bản thân mình kém cỏi”, anh Bách nhận định. Sự so sánh liên tục này dẫn đến tình trạng bất an, tự ti, và là nguyên nhân gây ra các vấn đề tâm lý như trầm cảm, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Trước thực trạng đó, việc xây dựng khả năng phán đoán, nhận thức thông tin có chọn lọc là vô cùng cấp thiết.
Làm sao để xây dựng khả năng phán đoán?
Theo Tiến sĩ Tường Bách: “Khả năng phán đoán được hình thành qua quá trình giáo dục. Đó là sự kết hợp từ giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội và cả môi trường thể chế.” Bốn yếu tố này cùng nhau xây dựng nền tảng nhận thức và các giá trị đạo đức chuẩn mực để một đứa trẻ phát triển với tư duy độc lập và khả năng đánh giá đúng đắn.

Bên cạnh những nền tảng đã được xây dựng từ sớm, các nghiên cứu của phương Tây còn chỉ ra ba phương pháp hiệu quả giúp thanh thiếu niên bồi dưỡng khả năng chọn lọc, và thoát khỏi sự lệ thuộc vào thế giới ảo:
- Thứ nhất, kết nối với thiên nhiên. Việc tham gia các hoạt động dã ngoại, cắm trại, khám phá thiên nhiên giúp trẻ em và thanh thiếu niên hòa mình vào thế giới thật, bồi dưỡng cảm xúc và nâng cao trải nghiệm sống.
- Thứ hai, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật. Những hoạt động như chơi nhạc cụ, vẽ tranh hay thưởng thức nghệ thuật giúp phát triển khả năng sáng tạo và cân bằng cảm xúc, từ đó giảm sự lệ thuộc vào thiết bị công nghệ.
- Thứ ba, tham gia thể thao. Các hoạt động vận động không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn tạo ra các hóc môn hạnh phúc, rèn luyện tinh thần đồng đội, kỷ luật và khả năng vượt qua thử thách.
Ba yếu tố thiên nhiên, nghệ thuật và thể thao không chỉ giúp chúng ta rời xa sự lệ thuộc vào thế giới ảo, mà còn bồi dưỡng khả năng phán đoán, làm giàu đời sống tinh thần và hoàn thiện nhân cách.
Cân bằng trong truyền thông là gì?
Trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay, khái niệm cân bằng ngày càng trở nên khó định nghĩa và khó đạt được. TS. Nguyễn Tường Bách phân tích: “Truyền thông hiện đại đòi hỏi chúng ta phải thể hiện bản thân ra bên ngoài, tìm kiếm sự thừa nhận thông qua địa vị, bằng cấp hay sự yêu mến của người khác. Điều này khiến con người dần quên đi việc chăm sóc và nuôi dưỡng những giá trị bên trong.” Chính vì vậy, cân bằng trong truyền thông hiện đại nằm ở việc điều chỉnh giữa nhu cầu thể hiện ra bên ngoài và sự kết nối với nội tâm.

Truyền thông hiện đại đòi hỏi chúng ta phải thể hiện bản thân ra bên ngoài, tìm kiếm sự thừa nhận thông qua địa vị, bằng cấp hay sự yêu mến của người khác. Điều này khiến con người dần quên đi việc chăm sóc và nuôi dưỡng những giá trị bên trong.
Liên quan đến khái niệm này, tác giả Sơn Ý đã đề cập đến sự hòa giải trong cuốn sách “Thương một tình thương” như một bước quan trọng trên hành trình tìm kiếm sự cân bằng. Hòa giải có thể hiểu là hành trình kết nối và làm lành mối quan hệ giữa mình với bản thân, với những người thân yêu, với xã hội, thiên nhiên rộng lớn. Chị cho biết: “Trong quá trình viết sách, tôi như đang xem lại cuộn phim về chính cuộc đời mình. Tôi nhận ra mình đã có những hành xử, phản ứng chưa đúng với người khác khiến mình tự dằn vặt. Và để tìm thấy được sự bình an trong tâm thì việc đầu tiên cần làm là hòa giải với chính mình.”
Hòa giải với bản thân là bước quan trọng để buông bỏ phán xét, tha thứ cho những sai lầm và từ đó, mở lòng hơn với những người xung quanh. Chị cũng nhắc lại lời một vị Tiến sĩ Tâm lý từng nói: “Khi bạn hòa giải với chính mình, bạn đồng thời hòa giải với cả quá khứ và tương lai.”

Trong quá trình viết sách, tôi như đang xem lại cuộn phim về chính cuộc đời mình. Tôi nhận ra mình đã có những hành xử, phản ứng chưa đúng với người khác khiến mình tự dằn vặt. Và để tìm thấy được sự bình an trong tâm thì việc đầu tiên cần làm là hòa giải với chính mình.
Chính sự hòa giải này là nền tảng để tìm lại cân bằng. Khi con người thấu hiểu giá trị nội tại, biết mình là ai và muốn gì, họ sẽ ít bị chi phối bởi những giá trị bên ngoài. Đây cũng là bước khởi đầu cho hành trình khám phá và nuôi dưỡng giá trị nội tại để chúng ta sống vững vàng hơn giữa thế giới đầy biến động.
Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của Tác giả, Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách và Nhà thơ, nhà báo Trần Lê Sơn Ý trong chương trình The Quoc Khanh Show, bạn có thể nhấn vào đây.
Thảo luận về bài viết
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.