Làm thế nào để trở thành một người dẫn chương trình ghi được dấu ấn trong lòng khán giả và khai thác được những chia sẻ giá trị từ khách mời?
Ở tập 1 của Career Check Mùa 2, anh Trần Quốc Khánh, Founder / CEO của Vietsuccess đã chia sẻ với Host Thu Bình những kỹ năng quan trọng của một người dẫn chương trình thể loại talkshow. Tình cờ đến với nghề sau một buổi đậu casting truyền hình, anh đã trải qua hơn 15 năm trong nghề với vô vàn cơ hội được gặp gỡ các khách mời có tầm ảnh hưởng và các cuộc trò chuyện có giá tri. Vậy đâu là những yếu tố làm nên sự khác biệt của một người dẫn chương trình?

“Gõ cửa” đúng cách bằng kỹ năng đặt câu hỏi hiệu quả
Với một người dẫn chương trình, “gõ đúng cánh cửa” là tìm ra điểm chạm phù hợp để mở rộng cuộc trò chuyện, khai thác sâu hơn những lát cắt mới từ nhân vật. Anh Quốc Khánh chia sẻ: “Anh luôn đặt thêm ít nhất hai câu hỏi sau mỗi câu trả lời để hé mở những thông tin chưa được chia sẻ.”
Nhiều bạn trẻ mới vào nghề thường bám sát theo danh sách câu hỏi mà không đào sâu thêm thông tin khiến câu chuyện dễ bị gãy nhịp. Tuy nhiên, người dẫn chương trình cần đủ tỉnh táo để biết khi nào nên tiếp tục đào sâu và khi nào cần quay trở lại mạch chính. “Nếu khách mời bắt đầu trả lời chung chung hoặc lặp lại điều đã nói, đó là dấu hiệu họ đang ‘cạn chất liệu’, khi đó, mình nên điều hướng lại cuộc trò chuyện,” anh Khánh chia sẻ.

Người càng có nhiều trải nghiệm giao tiếp, biết quan sát, học hỏi những cuộc trò chuyện thú vị thì sẽ càng có nhiều chất liệu để dẫn dắt tốt.
Bên cạnh đó, khi dẫn các thể loại talkshow, người dẫn chương trình sẽ gặp phải những khách mời ngại ống kính, không sẵn lòng chia sẻ. Đối với những khách mời như vậy, người dẫn chương trình có thể tạm dừng phần ghi hình, tạo không gian đủ thoải mái để khách mời có thời gian suy nghĩ và chia sẻ hoặc hỏi mồi những câu hỏi nhẹ nhàng, có tính gợi mở.
Và anh Khánh cho rằng: “Người càng có nhiều trải nghiệm giao tiếp, biết quan sát, học hỏi những cuộc trò chuyện thú vị thì sẽ càng có nhiều chất liệu để dẫn dắt tốt”.
Kỹ năng lắng nghe là nền tảng cho cuộc trò chuyện chất lượng
Khi được hỏi về những tố chất quan trọng nhất để trở thành một người dẫn chương trình phỏng vấn hấp dẫn, anh Khánh cho rằng: “Người dẫn chương trình không phải là người nói hay nhất, mà là người biết lắng nghe tốt nhất.”
Theo anh, trong một chương trình phỏng vấn, khách mời luôn là nhân vật chính và vai trò của người dẫn chương trình là giúp khách mời có thể toả sáng, chia sẻ những thông tin giá trị. Để làm được điều đó, lắng nghe chú tâm là yếu tố cốt lõi. Lắng nghe ở đây không chỉ là nghe bằng tai, mà là bằng tất cả sự chú tâm và sự hiện diện.

Người dẫn chương trình không phải là người nói hay nhất, mà là người biết lắng nghe tốt nhất.
Tuy nhiên, trong thực tế, người dẫn chương trình dễ bị phân tâm bởi câu hỏi chuẩn bị trước, hoặc bị cuốn vào dòng suy nghĩ về câu hỏi kế tiếp. Anh Khánh cho rằng đây là điều hoàn toàn bình thường, bộ não chúng ta có xu hướng tự động “nhảy số” để chuẩn bị điều tiếp theo, “Người dẫn chương trình giỏi là người biết nhận diện sự sao nhãng đó và luôn kéo tâm trí quay về với câu trả lời của khách mời.”
Một cuộc trò chuyện hay không nằm ở việc người dẫn chương trình hỏi nhiều mà có lắng nghe và dẫn dắt khách mời chia sẻ những điều chưa từng được kể. Và mỗi cuộc phỏng vấn, dù với cùng một nhân vật, vẫn có thể hoàn toàn khác biệt nếu người dẫn tiếp cận câu chuyện bằng chính sự tò mò riêng của mình.

Xây dựng uy tín cá nhân trong đời thật và trên mạng xã hội
Kỹ năng xây dựng mối quan hệ là một trong những yếu tố giúp anh Khánh mời được những nhân vật thú vị xuất hiện trên kênh Vietsuccess. Là một người hướng nội làm công việc phải giao tiếp nhiều, anh Khánh thường lựa chọn những buổi networking ít người nhưng có thể kết nối sâu. Một chiến lược anh cũng áp dụng là chất lượng hơn số lượng, “nếu mình không thể xây dựng được nhiều mối quan hệ thì hãy kết nối với người có nhiều mối quan hệ.” Ví dụ, bạn chỉ cần quen 3 người nhưng 3 người đó lại quen biết đến 100 người thì lúc này mạng lưới quan hệ của bạn được mở rộng mà không cần phải đi gặp gỡ xã giao nhiều.

Tuy nhiên, mối quan hệ thật sự không được xây bằng vài lần gặp gỡ mà bằng sự quan tâm, trò chuyện, hỏi thăm, hay đơn giản là giữ liên lạc. Anh Khánh kể rằng có những khách mời anh không thể tự mời, nhưng được giới thiệu thông qua người quen, những người đã tin tưởng và từng làm việc với anh. “Khi mình chưa đủ giỏi, hãy sống và làm việc với thái độ nghiêm túc và chân thành trước, còn kỹ năng sẽ tiến bộ theo thời gian,” anh cho lời khuyên.
Bên cạnh xây dựng uy tín cá nhân trong đời thật thì việc tạo dựng uy tín trên mạng xã hội để mọi người biết đến chuyên môn của một người dẫn chương trình cũng là điều cần thiết. “Nhiều bạn sợ chưa đủ giỏi để chia sẻ. Nhưng thật ra, quá trình học thật sự bắt đầu từ việc viết, chia sẻ, rồi nhận phản hồi,” anh Khánh chia sẻ.

Thương hiệu cá nhân bền vững không đến từ sự nổi tiếng nhất thời, mà từ việc chia sẻ đều đặn những nội dung có giá trị, chân thật và có chiều sâu.
Theo anh, “thương hiệu cá nhân bền vững không đến từ sự nổi tiếng nhất thời, mà từ việc chia sẻ đều đặn những nội dung có giá trị, chân thật và có chiều sâu.” Mỗi bài viết, mỗi video chia sẻ dù nhỏ nhưng lại là một cách để cho mọi người thấy những điều bạn đang học, suy nghĩ và muốn đóng góp. Trở thành người dẫn chương trình có không chỉ cần kỹ năng nói tốt, lắng nghe sâu mà còn có tinh thần cầu tiến để học hỏi và kết nối với những mối quan hệ chất lượng.
Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của anh Quốc Khánh về công việc người dẫn chương trình trong chuỗi podcast Career Check, bạn có thể nhấn vào đây.
Thảo luận về bài viết
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.