Bạn cần đăng nhập để xem thông tin tài khoản.

Đưa Mindfulness thành tiêu chí “thăng tiến” trong công việc

|||||||

Trong một thế giới công việc ngày càng nhiều biến động, Mindfulness – hay chánh niệm – không còn là một khái niệm dành riêng cho thiền đường, mà đang dần trở thành một trong những năng lực cốt lõi của người lãnh đạo hiện đại. 

Tập 6 của People Matter mùa 2 mở ra cuộc trò chuyện sâu sắc với anh Trung Đặng – chuyên gia quản trị nhân sự có hơn 16 năm kinh nghiệm tại các tập đoàn đa quốc gia, đồng thời là giảng viên chứng nhận chương trình Search Inside Yourself – chương trình đào tạo Mindfulness được phát triển tại Google và hiện lan tỏa toàn cầu.

Với sự dung dị nhưng giàu trải nghiệm, anh Trung đã mang đến những chia sẻ làm thay đổi góc nhìn truyền thống: Mindfulness không phải là “trào lưu”, mà là chiến lược thích nghi sống còn trong thế giới công việc đầy áp lực.

Khi trí năng lạc lối, “mindfulness” sẽ dẫn đường

Người lãnh đạo khi có nội tâm vững vàng, sẽ trở nên an nhiên hơn trước sóng gió. Sự bình tĩnh giúp nhà lãnh đạo đối diện với sóng gió một cách tỉnh táo. 

Phần lớn mọi người tìm đến với chánh niệm không phải vì tò mò, mà vì họ đã từng đối diện với giới hạn chịu đựng của chính mình – khủng hoảng, mất phương hướng, căng thẳng kéo dài… 

Bằng những chiêm nghiệm cá nhân, anh Trung chia sẻ “Khi khủng hoảng xảy đến cũng là lúc trí năng của con người đầu hàng. Bộ não của chúng ta cũng có thể “bị đơ, bị trơ, bị treo” trước thực tại bất định.” Do vậy, “mindfulness” xuất hiện như một phản ứng tự nhiên của con người sau khủng hoảng – khi trí não không còn đủ khả năng dự đoán, khi lý trí không thể dẫn đường, giúp con người trở về chính mình để “sống sót” trước khi có thể “phát triển”.

Trong giai đoạn đầy bất định, người lãnh đạo có nội tâm vững vàng sẽ có khả năng “tự điều hướng” qua những cơn bão – không vì tránh né khó khăn mà vì họ tỉnh táo hơn để tìm hướng đi. Cũng vì lẽ đó, “mindfulness không thần thánh hóa mọi thứ. Mà chỉ đơn giản là tạo không gian để mình lắng lại, chiêm nghiệm, nhận diện và phản hồi một cách sáng suốt,” anh Trung nhấn mạnh.

Những hiểu lầm phổ biến về “Mindfulness”

Một người lãnh đạo giỏi không chỉ ra quyết định tốt, mà còn biết tạo không gian an toàn để đội ngũ phát triển.

Cũng trong tập này, anh Trung đã chạm đến một lớp “định kiến ngầm” đang tồn tại khá phổ biến trong các doanh nghiệp khi nói đến “mindfulness” – đặc biệt là trong những môi trường coi trọng tốc độ, mục tiêu tăng trưởng và hiệu suất bán hàng. “Nhân viên mà thực hành mindfulness thì chắc hiền lành, trầm tính, không cạnh tranh, không tham vọng – vậy thì làm sao đạt chỉ tiêu sale?” 

Đây là suy nghĩ rất thật, và cũng rất lệch. Bởi lẽ, “mindfulness” không khiến nhân sự mất đi động lực hay tham vọng, mà giúp họ nhìn rõ động lực bên trong – họ đang phấn đấu vì điều gì? Là để chứng minh bản thân? Để đánh bại người khác? Hay để tạo giá trị lâu dài?

Một người bán hàng có chánh niệm không nhất thiết phải trầm tính, đi nhẹ, nói khẽ hay ngồi thiền cả ngày. Họ vẫn có thể chốt deal, vẫn có thể đạt chỉ tiêu, nhưng với một trạng thái tỉnh táo hơn:

  • Họ lắng nghe nhu cầu và cảm xúc thực sự của khách hàng.
  • Họ không bán bằng mọi giá, mà chọn bán những gì đúng với nhu cầu và giá trị.
  • Họ biết dừng lại khi cần, thay vì cố lao vào các cuộc đua đoạt thành tích rồi kiệt sức.

Như vậy, “mindfulness” không dập tắt lửa, nó giúp ngọn lửa cháy đúng hướng. Một người bán hàng có mindfulness không phải là người ít tham vọng, mà là người biết tham vọng một cách thông minh – để thành công mà không đánh mất chính mình.

Tương tự, đối với nhà lãnh đạo – nhiều người cho rằng nếu một người quá “chánh niệm” sẽ dễ thỏa hiệp, hướng đến sự an toàn, ngại va chạm, chỉ chăm chăm giữ cho mọi người vui vẻ, chứ không “dám” thúc ép vì mục tiêu tăng trưởng. Nhưng anh Trung đã làm rõ một điểm rất quan trọng: Mindfulness không đồng nghĩa với sự mềm yếu – nó là sự dũng cảm tỉnh thức.

Một lãnh đạo có mindfulness:

  • Dám nhìn vào sự thật khó chịu, nhưng không phản ứng vội vàng.
  • Dám đưa ra quyết định khó, nhưng vẫn giữ được nhân văn và gắn kết.
  • Hướng đến lợi nhuận, nhưng không bằng mọi giá – mà bằng cách xây dựng hệ sinh thái bền vững từ bên trong con người.

Như vậy, “mindfulness” giúp lãnh đạo bớt thao túng, hạn chế thúc đẩy đội ngũ bằng áp lực, mà thay vào đó tạo không gian cho đội nhóm phát triển nội lực. Sự tăng trưởng đến không phải vì bị ép, mà vì được khai mở.

Liên hệ đến mô hình Lãnh đạo cấp độ 5 của Jim Collins – cấp độ của sự kết hợp giữa khiêm nhường cá nhâný chí nghề nghiệp mạnh mẽ, anh Trung ngẫm nghĩ “Một người lãnh đạo có chánh niệm giống như bầu trời – họ không cần tỏa sáng rực rỡ, nhưng chính sự rộng mở và tĩnh lặng của họ mới là thứ giúp đội ngũ trở nên rực rỡ hơn.

Gắn “Mindfulness” vào văn hóa doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp hiện nay bắt đầu quan tâm đến sức khỏe tinh thần nhân viên – điều này đáng mừng, nhưng cũng tiềm ẩn một cái bẫy: Mindfulness bị rút gọn thành một hoạt động hình thức, thay vì trở thành triết lý vận hành cốt lõi. 

“Các buổi học cùng chuyên gia về mindfulness, xây phòng thiền, treo những giá trị như “thấu cảm”, “hạnh phúc” – nhưng lại không thay đổi cách ra quyết định, không điều chỉnh cách lãnh đạo, không xây dựng sự an toàn tâm lý cho đội nhóm,” là điều mà anh Trung cảnh báo.

Thực tế, chánh niệm không nằm ở lớp sơn. Nó là cấu trúc – là cách tổ chức vận hành. “Làm sao để phòng họp không là nơi gây căng thẳng mà là không gian mở cho sáng tạo. Làm sao để leader không phải người giỏi nói, mà là người biết nghe. Làm sao để nhân viên dám chia sẻ thất bại mà không sợ bị đánh giá,” mới là điều mà các lãnh đạo cần quan tâm.

Tổ chức ứng dụng đúng Mindfulness là tổ chức cam kết chuyển hóa từ bên trong – từ con người ra quyết định, chứ không phải chỉ thay đổi thông điệp truyền thông. Mindfulness, nếu được ứng dụng đúng, phải đi vào từng nhịp vận hành: cách mở đầu một cuộc họp, cách trao đổi trong các cuộc tranh luận, cách lắng nghe phản hồi, cách đưa ra quyết định khó khăn mà vẫn giữ được lòng nhân ái. Đó là quá trình chuyển hoá văn hóa tổ chức từ bên trong. Và khi Mindfulness thực sự đi vào cấu trúc ấy, doanh nghiệp sẽ bắt đầu “thở” theo một nhịp khác: chậm lại, sâu sắc hơn, nhân văn hơn – nhưng không kém phần hiệu quả.

Một tổ chức có đội ngũ lãnh đạo thực hành mindfulness sẽ có khả năng phục hồi nhanh hơn sau khủng hoảng, vì họ không rơi vào trạng thái hoảng loạn. Họ cũng sẽ giữ được nhân tài lâu hơn, vì xây dựng được môi trường an toàn tâm lý. Và quan trọng nhất, họ ra quyết định sáng suốt hơn, vì không bị chi phối bởi phản ứng bốc đồng hay bản ngã cá nhân.

Có thể thấy, chiêm nghiệm “mindfulness” không chỉ là bài học nghề nghiệp, mà còn là lời mời gọi nhìn lại chính mình: Làm sao để mỗi người – dù là nhân viên hay lãnh đạo – có thể bước vào công việc mỗi ngày với sự hiện diện trọn vẹn, bình an, và một trái tim rộng mở? Và để tìm đến điểm chạm sâu sắc sắc hơn với mindfulness, mời các bạn nghe lại nội dung tập podcast này trong chương trình People Matter mùa 2 tại đây.

Thảo luận về bài viết

ACB Leadership Summit: Khi CEO doanh nghiệp lớn học từ Harvard và những bài học “đắt xắt ra miếng”
Lãnh đạo bằng sự hiện diện để gắn kết đội ngũ
Nhận diện cơ hội để x10 doanh số trong khủng hoảng
Hiệu suất lãnh đạo sẽ X10 với A.I
Quản trị năng lượng doanh nghiệp từ văn hóa tỉnh thức

Đăng nhập

hoặc

Đăng ký

Email cũng chính là tên đăng nhập của bạn.

hoặc