Bạn cần đăng nhập để xem thông tin tài khoản.

Di sản, đừng xem nó là hiển nhiên.

|

Nhà thờ Đức bà Paris tuổi đời hơn 8 thế kỷ được ví như một quý bà có vẻ đẹp vĩnh cữu, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Vụ cháy tối thứ hai vừa rồi khiến cô bị xây xát và làm nhói tim nhiều người Pháp nói riêng và thế giới nói chung. Xét về thương tích, cô có một quá khứ đầy mình. Hai cuộc thế chiến, cuộc cách mạng Pháp và những đợt phục dựng trùng tu đã không ít lần huỷ hoại thể xác thiêng liêng đó. Trong tác phẩm Thằng Gù nhà thờ Đức Bà, đoạn miêu tả về nhà thờ phần mở đầu của cuốn ba, Victor Hugo bảo “nếu ngắm nghía từng vết phá hoại khác nhau in dấu lên toà nhà thờ cổ xưa, ta sẽ thấy tội của thời gian ít hơn, còn tội của con người nặng hơn, nhất là người làm nghệ thuật. Tôi nhấn mạnh là người làm nghệ thuật, vì có những kẻ đã mang danh kiến trúc sư từ hai thế kỷ nay.

Có thể phân biệt ba loại vết thương, cả ba đều hủy hoại với mức độ nặng nhẹ khác nhau: Trước hết là thời gian đã dần dà xói lở đây đó và làm hoen ố khắp các bề mặt; rồi đến các cuộc cách mạng chính trị và tôn giáo, vốn bản chất mù quáng và giận dữ, đã ào ào xông tới, xé rách chiếc áo ngoài lộng lẫy gồm những điêu khắc và chạm trổ, đập vỡ cửa sổ hoa hồng, phá tan sợi dây chuyền những hoa văn và tượng nhỏ, tước đoạt các pho tượng, và cuối cùng là thói thời thượng càng ngày càng thô bỉ và ngu ngốc, kể từ những bước chệch đường hỗn loạn và tráng lệ thời Phục hưng, cứ liên tiếp thay thế nhau trong cảnh suy thoái tất yếu của kiến trúc. Thói thời thượng, gu thẩm mỹ kém cỏi còn tác hại hơn cả những cuộc chiến tranh. Nó thẳng tay xâm phạm, đánh vào bộ khung xương của nghệ thuật, nó cắt bỏ, xén gọt, đảo lộn, giết chết toà nhà, về hình thức cũng như biểu tượng, về sự hợp lý cũng như vẻ đẹp của nó. Đã vậy, nó còn lấy cớ là trùng tu, nhân danh gu thẩm mỹ tốt để trắng trợn gán ghép những hoạ tiết linh tinh lên các vết thương của kiến trúc Gothic…”

Nhiều người đã nhắc lại đoạn văn này của Hugo trong bối cảnh nổ ra các cuộc tranh luận về cách phục dựng Nhà thờ sau vụ cháy. Đó là màn tranh luận dai dẳng thường xuyên diễn ra mỗi khi Nhà thờ có đợt sửa chữa. Kevin Murphy, Giáo sư môn Lịch sử Nghệ Thuật đã nghiên cứu trường phái của kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc huyền thoại- người phục dựng Notre Dame Paris vào thế kỷ 19, cho rằng mỗi lần phục dựng thì người ta lại đặt câu hỏi: nên xây lại nhà thờ theo phiên bản cũ trước đó hay sáng tạo ra cái mới hợp thời đại hơn?

Dù thế nào thì nó vẫn sẽ trở thành một phần của lịch sử hàng trăm năm tới. Murphy bảo nhiều người không hiểu nên phản ứng hơi quá khi thấy vụ cháy. Phần lớn cấu trúc nhà thờ là bằng đá nên không thể cháy rụi hoàn toàn. Chỉ có phần mái với thành phần nhiều gỗ mới bị ảnh hưởng. Cái ông lo lắng là lượng nước cứu hoả sẽ ảnh hưởng ra sao đến các thành phần bên trong. Điều tra ban đầu cho thấy đám cháy không gây thiệt hại quá lớn về cấu trúc toàn bộ nhà thờ và những di sản bên trong. Chắc chắn Nhà thờ sẽ được hồi sinh lộng lẫy và hoành tráng, nhất là phần tháp nhọn biểu tượng một thời. Đám cháy như một lời nhắc nhở nước Pháp về vẻ đẹp, sự kiêu hãnh, một di sản văn hoá nhân loại, một nền văn minh bản sắc Pháp mà người dân đừng xem nó là hiển nhiên, đừng take it for granted.

Phần xác bị trầy xước sẽ lại lành, còn phần hồn thì sao? Notre Dame Paris là biểu tượng của nước Pháp. Nước Pháp chính là Notre Dame Paris. Và cái mà Tổng thống Macron cần khôi phục, chính là phần hồn của nước Pháp trong bối cảnh bất ổn xã hội hiện nay. Có những thứ ám ảnh Macron không kém ngọn lửa trên nóc Notre Dame, đó là ngọn lửa đốt xe, ngọn lửa bạo động của phong trào Áo Vàng đang chia rẽ nước Pháp suốt mấy tháng qua. Tăng thuế nhiên liệu, giá sinh hoạt cao, chính sách thuế ưu tiên người giàu, hệ thống giao thông công cộng vùng ngoại ô nghèo nàn..khiến dân chúng phản ứng mạnh về cái gọi là sự bất bình đẳng trong xã hội Pháp. Mới đây, hai tỷ phú nhất nhì Pháp là Pinault-chủ đế chế thời trang Kering, và Arnault chủ của LV, cam kết bỏ tổng cộng 300 triệu euros cho quá trình tái thiết Notre Dame lại khiến dư luận Pháp bùng lên những tranh cãi xoay quanh bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo. “Những người khốn khổ” của Victor Hugo bảo họ đang chạy vạy từng miếng ăn trong khi 2 bác này vung tay một cái đã đi tong 300 củ euro, lại còn được miễn 60% tiền thuế từ hoạt động tài trợ này. Tất nhiên, việc tỷ phú ủng hộ nhà thờ là không sai, chỉ là nó xảy ra vào thời điểm nhạy cảm của một nước Pháp bất ổn.

Thảm hoạ cháy Notre Dame xảy ra trong lúc Macron rối ren vì liên tục phải đối thoại với dân chúng về các kế hoạch chỉnh đốn đất nước do phong trào Áo Vàng. Nhưng nếu biết cách tận dụng sự chú ý của người dân lúc này về Notre Dame, ông hoàn toàn có thể đưa ra những hành động đúng đắn để lấy lại uy tín.

Còn người dân Pháp, hãy mừng vì còn được tham gia chiến dịch Great National Debate, những cuộc tranh luận quốc gia để đối thoại trực tiếp với lãnh đạo. Hãy mừng vì có cơ hội để phản ứng với những quyết sách ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày. Hãy mừng vì một nền văn minh lâu đời được hình thành sau hàng trăm năm từ những lãnh đạo vĩ đại, những con người trân trọng giá trị di sản. Ngọn lửa tối hôm ấy quá nhỏ so với lòng kiêu hãnh của một vẻ đẹp vĩnh cữu kiểu Pháp. Người Pháp đừng take it for granted. Có những nơi khác trên thế giới, người dân chỉ biết chấp nhận sự bất bình đẳng, chỉ biết chấp nhận di sản bị tàn phá bởi lòng tham của con người, của tổ chức, của doanh nghiệp nhân danh sự phát triển. Đó là nơi mà bất bình đẳng trong đối xử người giàu/ người nghèo, quan chức/ thường dân có khi trở thành những chuyện hiển nhiên. Người bị ảnh hưởng bởi sự bất bình đẳng ít khi có cơ hội và điều kiện để nói lên tiếng nói, còn một số người ít bị ảnh hưởng, có khả năng lên tiếng thì lại im lặng.

Khi mô tả một kiệt tác kiến trúc như Notre Dame Paris, Victor Hugo từng viết: Time is the architect, the nation is the builder. Quả thật, thời gian, lịch sử phát triển là một vị kiến trúc sư đại tài, nhưng chính quốc gia đó, con người đó với những bản sắc riêng mới là những người thợ xây công trình vĩ đại. Cái gốc của dân tộc nếu mạnh thì chả có gì có thể phá huỷ được di sản. Còn ngược lại, sẽ chẳng còn gì cho con cháu. Người Pháp, hãy trân trọng hơn những gì mình có, đừng take it for granted, đừng xem nó là hiển nhiên.

Từ khoá

Thảo luận về bài viết

Thấu hiểu tâm lý con theo từng lứa tuổi
Món quà từ những suy nghĩ tiêu cực
Chấp nhận “mình không ổn” để quay trở về với bản thân
Đối diện với “im lặng độc hại” trong hôn nhân
“Người hóa” cảm xúc để hiểu bản thân hơn

Đăng nhập

hoặc

Đăng ký

Email cũng chính là tên đăng nhập của bạn.

hoặc