Là một thương hiệu gắn liền với bao thế hệ người Việt và sự phát triển của đất nước, Vinamilk đã chuẩn bị như thế nào cho chiến lược thay đổi toàn diện từ năm 2023?
Mai Kiều Liên là Tổng Giám đốc Vinamilk, từ một kỹ sư trẻ tại nhà máy sữa, bà đã trở thành Tổng Giám đốc từ năm 1992, dẫn dắt Vinamilk thành thương hiệu sữa 3 tỷ đô có giá trị thứ 6 toàn cầu. Với triết lý “chất lượng là tiên quyết”, bà không chỉ biến Vinamilk thành biểu tượng quốc gia mà còn tiên phong trong những làn sóng đổi mới, từ “Cách mạng trắng” thập niên 90 đến chiến lược trẻ hóa thương hiệu hôm nay.
Bà cũng được Tạp chí Fortune (Mỹ) vinh danh trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm 2024, là nữ doanh nhân duy nhất được Forbes Việt Nam vinh danh “Thành tựu trọn đời”. Nhờ có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền kinh tế Việt Nam, bà đã được nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Thời Kỳ Đổi Mới, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì.

Trong tập thứ 100 của The Quoc Khanh Show, host Quốc Khánh vinh dự được trò chuyện cùng bà Mai Kiều Liên về hành trình gần 50 năm gầy dựng, phát triển và đổi mới của Vinamilk.
Vì sao Vinamilk quyết định chuyển mình sau gần 50 năm?
Sau gần nửa thế kỷ phát triển, Vinamilk đã nhiều lần điều chỉnh để thích ứng với thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các thay đổi trước đây chỉ mang tính cục bộ. Đến năm 2023, trước sự bùng nổ của chuyển đổi số cùng những thay đổi lớn về nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, Vinamilk quyết định thực hiện cuộc chuyển mình toàn diện – từ sản phẩm, vận hành, cách tiếp cận khách hàng cho đến nhận diện thương hiệu.

Quyết định “thay áo mới” toàn diện cho Vinamilk nhằm hướng tới việc thích ứng với những nhu cầu của khách hàng, xây dựng hình ảnh hiện đại, trẻ trung và sáng tạo hơn trong mắt thế hệ người trẻ. Như bà Mai Kiều Liên chia sẻ: “Vinamilk là một thương hiệu lâu đời, nhưng nếu không tiếp cận được thế hệ trẻ, chúng ta không thể duy trì thương hiệu.”

Thay đổi một thương hiệu gần 50 năm tuổi không phải là quyết định dễ dàng. Việc thay đổi có thể tạo ra sự hứng khởi, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi hình ảnh cũ đã in sâu trong tâm trí người tiêu dùng. Ngay cả trên thế giới, nhiều tập đoàn lớn đã thử nghiệm đổi mới thương hiệu với kết quả trái ngược – có doanh nghiệp thành công, nhưng cũng có đơn vị thất bại.
Không ít người đã cảnh báo bà Liên về những thách thức khi thay đổi: “Chị cẩn thận, thay đổi thế này coi chừng đổ vỡ.” Nhưng bà Liên hiểu rằng, muốn đạt những thành tựu lớn, phải chấp nhận đối mặt với rủi ro. Bà cũng chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau để ứng phó với những trường hợp xấu có thể xảy ra với mong muốn đổi mới Vinamilk, vì bà tin rằng: “Vinamilk quá lớn để thay đổi, nhưng nếu không thay đổi, chúng ta không thể tiếp tục.”
Vậy Vinamilk đã chuẩn bị như thế nào cho cuộc chuyển đổi này?

Vinamilk quá lớn để thay đổi, nhưng nếu không thay đổi, chúng ta không thể tiếp tục.
Những bước đi chiến lược để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển mình
Đầu tiên là xác định rõ những yếu tố cần thay đổi, từ đó tìm kiếm và xây dựng đội ngũ phù hợp để hiện thực hóa chiến lược. Vinamilk đã chiêu mộ những chuyên gia trẻ trong lĩnh vực công nghệ, phần mềm và lập trình. Đội ngũ này đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo của công ty.

Để đảm bảo sự chuyển đổi diễn ra bài bản, Vinamilk hợp tác với các chuyên gia chiến lược thương hiệu hàng đầu thế giới. Đội ngũ tham gia dự án này bao gồm cả chuyên gia quốc tế và Việt Nam, giúp cân bằng giữa yếu tố đổi mới và bản sắc thương hiệu. Trong quá trình thực hiện dự án này, có rất nhiều ý kiến đa chiều được đưa ra và lãnh đạo Vinamilk đã lắng nghe, phân tích từng phương án để đưa ra lựa chọn tối ưu nhất dựa trên chiến lược dài hạn.
Bất kỳ sự thay đổi lớn nào cũng đi kèm với những phản hồi đa chiều từ khách hàng. Một số người đặt câu hỏi: “Tại sao phải thay đổi?”, “Có thực sự cần thiết?”, “Liệu hình ảnh mới có làm mất đi bản sắc thương hiệu?”. Nhưng ngay từ đầu CEO Vinamilk đã xác định rõ mục tiêu: “Tiếp cận nhóm khách hàng trẻ, hiện đại mà vẫn duy trì lòng tin của những khách hàng trung thành.”

Một chiếc tivi có thể sửa chữa nếu bị lỗi, nhưng thực phẩm khi đã tiêu thụ vào cơ thể thì phải đảm bảo chất lượng tuyệt đối.
Sau hai năm, những kết quả ban đầu đã cho thấy tác động rõ rệt. Nhận diện thương hiệu Vinamilk trở nên trẻ trung, sáng tạo hơn. Các dòng sản phẩm cao cấp ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, trong khi hình ảnh thương hiệu được làm mới, thu hút hơn với thế hệ người tiêu dùng trẻ – nhóm khách hàng quan trọng cho sự phát triển bền vững. Kết quả là một hệ thống nhận diện mới, áp dụng trên gần 300 sản phẩm.
Bên cạnh nhận diện thương hiệu, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm luôn được công ty đề cao. Là người có nền tảng về công nghệ chế biến sữa, bà Mai Kiều Liên hiểu rõ rằng, với thực phẩm, chất lượng là yếu tố sống còn. Bà nhấn mạnh: “Một chiếc tivi có thể sửa chữa nếu bị lỗi, nhưng thực phẩm khi đã tiêu thụ vào cơ thể thì phải đảm bảo chất lượng tuyệt đối.” Đó cũng chính là triết lý mà Vinamilk theo đuổi suốt 50 năm qua: “Chất lượng – Giá cả – Dịch vụ.”

Triết lý mà Vinamilk theo đuổi suốt 50 năm qua: Chất lượng – Giá cả – Dịch vụ.
Văn hóa doanh nghiệp – Chìa khóa giúp Vinamilk chuyển mình thành công
Ngay từ khi xác định thay đổi là điều tất yếu, Vinamilk đã thống nhất mục tiêu và triển khai các chiến lược cụ thể để chuẩn bị cho bước ngoặt quan trọng này. Những tranh luận và khó khăn ban đầu trong việc lựa chọn phương án tối ưu là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tất cả đều cùng hợp tác và thảo luận trên tinh thần hướng đến mục tiêu chung: Chuyển đổi thành công và bền vững.
Mặc dù lo lắng cho những rủi ro có thể xảy ra nhưng bà Liên cũng rất tự tin với chiến lược thay đổi lần này của Vinamilk vì bà biết đây là dự án có sự nỗ lực của toàn bộ công ty, cùng đội ngũ trẻ trung, năng động, sẵn sàng đổi mới vì tương lai của Vinamilk.

Một trong những yếu tố giúp Vinamilk duy trì sự gắn kết bền vững giữa lãnh đạo và nhân viên chính là văn hóa trung thực, minh bạch. Dưới sự dẫn dắt của bà Mai Kiều Liên, bà luôn đề cao nguyên tắc công bằng, không phân biệt vùng miền, tôn giáo hay xuất thân. Điều quan trọng nhất là năng lực và sự đóng góp của từng cá nhân.
Tại Vinamilk, không có chỗ cho sự thiên vị hay ưu ái cá nhân. “Tôi không yêu cầu nhân viên phải lấy lòng mình, mà chỉ cần họ làm tốt công việc”, bà Liên nhấn mạnh. Chính nhờ vậy, đội ngũ nhân sự tại đây luôn làm việc vì lợi ích chung của công ty, nếu nhân viên mang lại lợi ích cho công ty thì họ cũng sẽ được công ty tưởng thưởng xứng đáng. Đây cũng là lý do Vinamilk có tỷ lệ nhân viên gắn bó lâu dài cao, với nhiều lãnh đạo cấp cao đã cống hiến từ 30-40 năm, từ khi mới ra trường cho đến khi nắm giữ những vị trí quan trọng.

Tôi không yêu cầu nhân viên phải lấy lòng mình, mà chỉ cần họ làm tốt công việc.
Những văn hóa này đã trở thành kim chỉ nam trong mọi hoạt động của công ty suốt nhiều thập kỷ. Với tinh thần đoàn kết, sự trung thực và khả năng thích nghi với thay đổi, Vinamilk không chỉ là một trong những thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam mà còn là một môi trường làm việc đáng mơ ước – nơi nhân viên được tạo điều kiện phát triển, cống hiến và gắn bó lâu dài.
Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của cô Mai Kiều Liên về bước chuyển mình của Vinamilk trong chương trình The Quoc Khanh Show, bạn có thể nhấn vào đây.
Thảo luận về bài viết
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.