Trong thời điểm khủng hoảng, ở vai trò một nhà lãnh đạo, làm sao để truyền cảm hứng và giúp đội ngũ bình tâm, nhận diện những cơ hội trong thách thức?
Phạm Duy Hiếu là Tổng Giám Đốc ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đồng thời là Chủ Tịch Quỹ khởi nghiệp Doanh Nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF). Anh từng được biết đến là vị lãnh đạo trẻ nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam khi trở thành CEO của VietABank và sau đó là ABBank ở tuổi 34.
Sau nhiều năm lăn lộn trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, ngoài những kinh nghiệm về kinh doanh, anh đã chiêm nghiệm và chia sẻ nhiều bài học quan trọng trong việc nuôi dưỡng tâm trí để trở thành người lãnh đạo tích cực trong chương trình Mindful Leadership mùa 2.

Hành trình nhận diện và tu tập bản thân giữa thương trường
Đối với anh Hiếu, hành trình “thấy mình” trong môi trường kinh doanh là một tiến trình gồm ba giai đoạn.
- Giai đoạn 1: Thử thách là bài học
Ở giai đoạn này, những khó khăn như: Khủng hoảng kinh tế, nợ xấu, kết quả kinh doanh đi xuống, mâu thuẫn nội bộ trở thành bài học để rèn luyện tâm trí. “Thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, anh tập trung làm chủ chính mình thông qua quan sát các cảm xúc cá nhân như lo âu, phán xét, thất vọng.” Bài học mà anh nhận ra là: “Mình là một phần trong mọi kết quả không như ý, vậy nên nếu muốn thay đổi điều gì bên ngoài, phải bắt đầu từ bên trong.”
Thay vì đổ lỗi, anh tự vấn bản thân: “Tôi có thể làm gì để tốt hơn? Tôi đang nhìn thiếu điều gì? Tôi đã chú tâm đúng chỗ chưa? Tôi cần làm gì để đồng đội trở nên tốt hơn?”. Khi những câu hỏi ấy xuất hiện, quyền năng thay đổi lập tức quay trở lại trong tay người lãnh đạo.

Mình là một phần trong mọi kết quả không như ý, vậy nên nếu muốn thay đổi điều gì bên ngoài, phải bắt đầu từ bên trong.”
- Giai đoạn 2: Thuận lợi là cám dỗ
Vượt qua được khó khăn thì anh Hiếu nhận ra những lúc thuận lợi, thăng hoa cũng tiềm ẩn nhiều cám dỗ không kém. “Khi thắng lợi, nếu bám víu vào nó, mình rất dễ rơi vào tự mãn, tham lam, và muốn kiểm soát mọi thứ. Điều đó khiến mình dần xa rời kết nối với anh em, và giới hạn chính khả năng lãnh đạo của mình,” anh phân tích.
Theo anh, tỉnh thức trong giai đoạn thuận lợi còn quan trọng hơn, vì cái tôi rất dễ lớn lên, ảnh hưởng đến văn hóa tổ chức và cả những giá trị mình muốn kiến tạo. Người lãnh đạo không chỉ thể hiện được sự bình thản khi đối mặt với khó khăn mà quan trọng hơn là truyền cảm hứng bằng sự khiêm tốn và khả năng “mở tâm, mở trí” cho đội ngũ.

Khi thắng lợi, nếu bám víu vào nó, mình rất dễ rơi vào tự mãn, tham lam, và muốn kiểm soát mọi thứ. Điều đó khiến mình dần xa rời kết nối với anh em, và giới hạn chính khả năng lãnh đạo của mình.
- Giai đoạn 3: Mọi khoảnh khắc đều là phép tu
Ở giai đoạn này, anh Hiếu cho rằng mỗi khoảnh khắc trong công việc hàng ngày đều trở thành một “phép tu”. Gặp nhân viên, anh tự hỏi: “Liệu mình có thật sự lắng nghe họ chưa?”. Gặp khách hàng, anh suy nghĩ: “Mình có thấu hiểu được nỗi đau của họ?”. Khi đạt thành công, anh tự vấn: “Có bao nhiêu nhân duyên đã góp phần tạo nên thành quả này?”.
Khi người lãnh đạo giữ được sự trong sáng trong tâm trí, sự thay đổi sẽ lan tỏa trong tổ chức, “đội ngũ biết tin tưởng lẫn nhau hơn, bao dung hơn, tập trung vào giải pháp hơn là đổ lỗi, biết ơn hơn là oán trách,” anh Hiếu nói. Sự lan tỏa này dần mở rộng, không chỉ trong công ty mà còn đến khách hàng, xã hội và gia đình của từng cá nhân trong tổ chức.

Khi người lãnh đạo giữ được sự trong sáng trong tâm trí, sự thay đổi sẽ lan tỏa trong tổ chức, đội ngũ biết tin tưởng lẫn nhau hơn, bao dung hơn, tập trung vào giải pháp hơn là đổ lỗi, biết ơn hơn là oán trách.
Nhìn thấy cơ hội x10 doanh số giữa khủng hoảng
Tháng 8/2023, giữa lúc nền kinh tế đầy biến động, anh Hiếu đã quay lại điều hành ABBank. Cả tổ chức, từ lãnh đạo đến nhân viên, đều mang trong mình tâm lý phòng thủ và thận trọng. Nhưng thay vì hành động vội vã, anh đặt ra một câu hỏi: “Có thật là khủng hoảng chỉ có khó khăn?”
Từ câu hỏi đó, anh khơi mở một góc nhìn mới, “trong khó khăn, có ngành bị ảnh hưởng, nhưng cũng có ngành được hưởng lợi, có mô hình không còn phù hợp, nhưng cũng có tư duy mới sẵn sàng bứt phá, có lĩnh vực đầu tư nếu nắm bắt đúng lại cực kỳ hiệu quả.”

Trong khó khăn, có ngành bị ảnh hưởng, nhưng cũng có ngành được hưởng lợi, có mô hình không còn phù hợp, nhưng cũng có tư duy mới sẵn sàng bứt phá, có lĩnh vực đầu tư nếu nắm bắt đúng lại cực kỳ hiệu quả.
Tư duy này dẫn đến chương trình “x10”: Tăng doanh số lên gấp 10 lần chỉ tiêu. Không mệnh lệnh hay áp đặt, anh bắt đầu bằng việc thay đổi niềm tin, giúp nhân viên chuyển dịch từ sợ hãi sang hào hứng. Bằng các buổi chia sẻ trực tuyến, kể lại câu chuyện thực tế của chính người trong tổ chức, anh dần lan tỏa niềm tin rằng: Điều phi thường hoàn toàn có thể xảy ra. Chỉ sau 3 tháng, toàn hệ thống ghi nhận đã tạo ra 330 tỷ đồng lợi nhuận giữa thời kỳ khó khăn.
Một ví dụ nổi bật trong chương trình này là một bạn giao dịch viên bình thường, không có nền tảng đặc biệt nhưng lại biết tận dụng nguồn lực của người chồng, vốn có mối quan hệ tốt với quản lý cấp cao. Nhờ vậy, bạn đã có cơ hội tư vấn và mang về nhiều hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Tại sao phải là x10?: Tư duy “về không” để tạo đột phá
Tư duy “x10” không chỉ đơn thuần là mục tiêu doanh số, nó là một bước khởi động lại toàn bộ hệ điều hành tâm trí. “Khi còn tư duy x2, người ta chỉ tối ưu cái cũ. Nhưng với x10, bạn buộc phải rời khỏi vùng an toàn, chuyển sang trạng thái “chưa biết”, hay nói cách khác là “về không” để khai mở sáng tạo,” anh Hiếu giải thích.
Giống như thiền định giúp đưa tâm trí về trạng thái tĩnh lặng, phương pháp x10 tạo ra khoảng trống cần thiết để một người ngừng đi theo lối mòn, dừng lại, và bắt đầu nhìn thấy những khả năng chưa từng nghĩ đến.

Khi còn tư duy x2, người ta chỉ tối ưu cái cũ. Nhưng với x10, bạn buộc phải rời khỏi vùng an toàn, chuyển sang trạng thái “chưa biết”, hay nói cách khác là “về không” để khai mở sáng tạo.
Anh Hiếu luôn tin mỗi người đều có thể làm được gấp 10 lần khả năng hiện tại, nếu họ được khơi mở. Trong nhiều trường hợp, thứ cản trở thành công không phải là năng lực, mà là “sở tri chướng”, tức chướng ngại do những hiểu biết có sẵn trong tâm trí của chúng ta tạo ra. “Khi không còn bị trói buộc bởi định kiến, nỗi sợ hay những kết luận từ quá khứ, ta sẽ bắt đầu khám phá những khả năng mới bên trong mình, và lúc đó, những kết quả phi thường sẽ xuất hiện”, anh Hiếu chia sẻ.
Để nhận diện cơ hội bứt phá trong lúc khó khăn, đòi hỏi người lãnh đạo và các cá nhân phải có sự bình an, có tâm trí sáng suốt để nhìn nhận cục diện một cách thấu đáo, tận dụng những nguồn lực và khai mở những thứ mới mẻ bên trong mình và đội ngũ của mình.

Để theo dõi đầy đủ cuộc trò chuyện của anh Phạm Duy Hiếu về chủ đề: “Nhận diện cơ hội để x10 doanh số trong khủng hoảng” trong chương trình Mindful Leadership, bạn có thể nhấn vào đây.
Chân thành cảm ơn Tập đoàn GELEX đã đồng hành cùng chúng tôi trong nội dung của chuỗi podcast này.
Thảo luận về bài viết
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.